Thương hiệu chè Việt Nam
Việt Nam là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu thô, chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Các sản phẩm chè của Việt Nam được xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới, với nhiều chủng loại phong phú. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của ngành chè nước ta còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 230 triệu USD/năm, một con số rất khiêm tốn so với các ngành khác như cà phê, hồ tiêu...
Chè là một trong những loại cây trồng phổ biến ở nhiều tỉnh trung du, miền núi cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong những năm qua, chè là một trong những mặt hàng được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp quan tâm xác lập quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức khác nhau, như đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho một số loại chè: Shan tuyết Mộc Châu (là 1 trong 2 chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ cùng với nước mắm Phú Quốc năm 2001); Tân Cương Thái Nguyên được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2007; B’Lao Lâm Đồng được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận năm 2009; Suối Giàng Yên Bái được cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận năm 2012; Đường Hoa - Hải Hà, Quảng Ninh được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận năm 2013; Tân Uyên Lai Châu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận năm 2014; Ô Long Mộc Châu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận năm 2016…
Là quốc gia có điều kiện khí hậu và đất đai rất phù hợp cho cây chè phát triển, Việt Nam đã có những thương hiệu chè nổi tiếng như Shan Tuyết, Suối Giàng, chè B’Lao, Ô Long, Tân Cương, Cầu Đất... Ngành chè thu hút được một lực lượng lao động lớn, hơn 6 triệu người ở 34 tỉnh/thành phố, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên sự sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp chè Việt Nam còn lúng túng cả trong việc đổi mới công nghệ lẫn xúc tiến thương mại để khai thác thị trường. Xuất khẩu chè Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô. Có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, đóng gói để gia tăng giá trị. Do vậy, cần có giải pháp đồng bộ, đặc biệt lấy khoa học và công nghệ làm khâu đột phá cho ngành chè Việt Nam, phát triển bền vững.
Tìm “giấy thông hành” cho cây chè Phú Thọ
Phú Thọ tự hào là cái nôi của cây chè Việt Nam. Ngành chè Phú Thọ có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Sản phẩm chè Phú Thọ với 80% dành cho xuất khẩu và đã có mặt tại nhiều thị trường chè trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD/năm...
Hiện nay, Phú Thọ đứng thứ 4 về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè của cả nước. Toàn tỉnh hiện có gần 17.000 ha chè, 17 làng nghề chế biến chè, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động… Trong những năm gần đây, sản xuất chè của tỉnh liên tục tăng năng suất, sản lượng do ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh và sản xuất theo hướng an toàn. Tổng doanh thu của các làng nghề chè trên địa bàn tỉnh đạt trên 92 tỷ đồng/năm. Cây chè đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, tỉnh Phú Thọ hiện có khoảng 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó đạt tiêu chuẩn RFA và UTZ là 1,95 nghìn ha. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mang lại từ cây chè chưa cao; nhiều hộ trồng chè còn mang nặng tập quán, tâm lý sản xuất nhỏ lẻ; việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chỉ sản xuất bán thành phẩm hoặc xuất khẩu dưới dạng thô, không có bao bì, nhãn mác nên giá bán thấp; trên 60% cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu hoặc có nhưng không đủ sản xuất; trên 45% cơ sở chế biến với thiết bị, công nghệ lạc hậu, dây chuyền thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến chè về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu chè búp tươi chưa được quan tâm, chú trọng. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn chủ yếu thực hiện tại các công ty có vùng nguyên liệu hoặc các dự án triển khai có sự hỗ trợ của Nhà nước, công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn nhiều bất cập vì chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác sản phẩm phù hợp…
Những năm qua, chè được xác định là cây trồng truyền thống và là một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Phú Thọ còn nhiều bất cập: uy tín bị giảm sút do chưa kiểm soát được nguồn nguyên liệu chế biến và chất lượng sản phẩm; chưa đăng ký nhãn hiệu để được bảo hộ; chưa xây dựng được hệ thống tem, nhãn và quảng bá tạo sự nhận biết cho người tiêu dùng khi nhắc tới sản phẩm chè đặc sản...
Để phát triển bền vững sản phẩm Chè Phú Thọ, nâng cao và khai thác các giá trị kinh tế của sản phẩm chè, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN Phú Thọ) đã đề xuất và được phê duyệt triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung của dự án là: thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ; xây dựng cơ sở pháp lý, khoa học và triển khai bước đầu hoạt động kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm chè Phú Thọ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Phú Thọ. Mục tiêu cụ thể của dự án là: tạo lập được quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ; xây dựng và vận hành được hệ thống các văn bản, công cụ phục vụ công tác quản lý và khai thác, phát triển sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận; tổ chức vận hành được trên thực tế hệ thống kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; xây dựng và triển khai được trên thực tế mô hình liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận theo chuỗi giá trị.
Sau hơn một năm thực hiện, dự án tập trung triển khai đồng bộ việc quy hoạch phát triển sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và vùng. Phân vùng nguyên liệu gắn trách nhiệm của các cơ sở chế biến với việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa cơ sở, doanh nghiệp chế biến và người trồng chè trên địa bàn (sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm); nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí chất lượng đặc trưng của nguyên liệu chế biến chè Phú Thọ; xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm chè với các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, dấu hiệu nhận biết, chất lượng rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn để sản xuất và phát triển thị trường; giải quyết đồng bộ các vấn đề tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu chè Phú Thọ gắn với phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Đi kèm theo đó là hệ thống các văn bản, tài liệu liên quan đến quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận: các quy trình kỹ thuật về lựa chọn, bình tuyển, bảo tồn giống, chăm sóc, thu hái chè; quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; bộ tiêu chuẩn chè Phú Thọ làm cơ sở cho việc chứng nhận; hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm; phương tiện, tài liệu quảng bá, tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ...