Là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Thọ, cây chè được trồng rộng khắp tại các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Đoan Hùng… góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, đồng thời phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại địa phương.
|
Hiện toàn tỉnh Phú Thọ có diện tích trên 16.000 ha trồng chè |
Hiện, toàn tỉnh Phú Thọ có diện tích trên 16.000 ha trồng chè, năng suất trên 117 tạ/ha, sản lượng trung bình trên 184.000 tấn/năm. Các sản phẩm chè xanh, chè đen của tỉnh không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan. Đặc biệt, sản phẩm chè Phú Thọ đã đáp ứng nhu cầu của một số thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã và đang chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè, xây dựng vùng chè an toàn, nâng cao chất lượng chè. Các doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật thâm canh, biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiên tiến. Đến nay, một số sản phẩm chè đã được truy xuất nguồn gốc như: Chè Phú Hộ, chè Chùa Tà, chè Yên Kỳ, chè Phú Thịnh, chè Long Cốc…
Tuy năng suất, chất lượng chè Phú Thọ ngày càng nâng cao, nhưng giá trị đem lại từ cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ; bao bì, nhãn mác chưa được chú trọng để trở thành công cụ tiếp cận thị trường hiệu quả.
Với mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm chè, tỉnh Phú Thọ đã triển khai hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu chè địa phương.
Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tái cơ cấu cây chè theo hướng nâng cao hiệu quả; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại.
Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ đẩy mạnh dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm của tỉnh. Mục tiêu của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè của địa phương; triển khai hoạt động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chè, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Phú Thọ. Dự án được thực hiện từ năm 2019 và sẽ được hoàn thành trong năm 2020. Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã cho thấy hiệu quả nhất định, xây dựng được thương hiệu chung cho sản phẩm chè Phú Thọ với các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, dấu hiệu nhận biết, chất lượng rõ ràng.
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng xuất khẩu theo hướng bền vững. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, đưa năng suất chè búp tươi bình quân đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt trên 185.000 tấn. Đồng thời, đảm bảo 100% cơ sở chế biến có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Bên cạnh xây dựng thương nhiệu chè, tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng gắn cây chè vào hoạt động du lịch của địa phương như: Tạo ra các tuyến du lịch, các điểm dừng chân tham quan đồi chè, quảng bá rộng rãi sản phẩm chè thông qua các hội chợ, triển lãm của ngành du lịch. |