Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nghe giới thiệu về sản phẩm chè tại Hội trợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020
Phú Thọ hiện có 16 nghìn ha trồng chè với sản lượng 184,5 nghìn tấn/năm. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh... Nhằm đáp ứng việc sản xuất chè an toàn, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè. Nhờ đó, toàn tỉnh hiện có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhãn hiệu tập thể: Chè xanh Phú Hộ (huyện Phù Ninh), Chè xanh Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa), chè Long Cốc (huyện Tân Sơn).Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…
Được thành lập từ năm 2017 với 10 thành viên, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) đang từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường. Dù mới thành lập được hơn 2 năm nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành chức năng và sự nỗ lực của các thành viên HTX, năm 2020 là năm bội thu khi sản lượng chè xuất khẩu đạt gần 1.000 tấn, chè nội tiêu đạt trên 5 tấn với doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Để đạt được thành tựu trên, sự thay đổi trong tư duy người trồng chè đóng vai trò then chốt.
Anh Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến chè Đá Hen cho biết: Bà con nông dân, hội viên của HTX thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn và tham quan các mô hình trồng chè lớn ở các tỉnh, thành phố chuyên canh về chè như: Thái Nguyên, Hà Giang... Nhận thức của các hội viên trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày càng được nâng lên, từ đó chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường. Nhờ vậy, giá bán đã cao hơn trước, đầu ra và thu nhập đã ổn định hơn.
Hội viên HTX Sản xuất và chế biến chè Đá Hen thu hoạch chè
HTX chè Phú Thịnh (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ) cũng là một điển hình về phát triển và xây dựng thương hiệu chè. Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc HTX Chè Phú Thịnh chia sẻ:Trước đây người dân sản xuất chè tự phát, giống cũ, sản phẩm bán cho các thương lái với giá thấp, chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg. Ðến năm 2017, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh, HTX Chè Phú Thịnh được thành lập với 13 thành viên. Ðến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm. Sản phẩm chè xanh của HTX Chè Phú Thịnh đã có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của các thành viên được nâng lên. Người dân đã coi chè là cây mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Nhằm góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm chè, tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu chè. Đồng thời, triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu duy trì trồng 16,5 nghìn ha chè, sản lượng đạt 176 nghìn tấn/năm, tỷ lệ chè giống mới trên 80%; phát triển chè chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu, diện tích được chứng nhận theo quy trình sản xuất an toàn đạt trên 6,5 nghìn ha.
Việc triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ” đã phân được vùng nguyên liệu, gắn trách nhiệm của các cơ sở chế biến với việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa cơ sở, doanh nghiệp chế biến và người trồng chè trên địa bàn (sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm); nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí chất lượng đặc trưng của nguyên liệu chế biến chè Phú Thọ; xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm chè với các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, dấu hiệu nhận biết, chất lượng rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn để sản xuất và phát triển thị trường; giải quyết đồng bộ các vấn đề tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu chè Phú Thọ gắn với phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.
Tỉnh cũng đã xây dựng được hệ thống các văn bản, tài liệu liên quan đến các quy trình kỹ thuật về lựa chọn, bình tuyển, bảo tồn giống, chăm sóc, thu hái chè; quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm; phương tiện, tài liệu quảng bá, tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ...
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc sản phẩm chè của tỉnh được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu đã khẳng định thương hiệu của sản phẩm. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc đó, mỗi hộ kinh doanh chè phải chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm để tiếp tục giữ vững thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc HTX Chè Phú Thịnh giới thiêu kỹ thuật trồng, chăm sóc chè an toàn cho cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Tuy nhiên, sự phát triển cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè được thành lập mới nhưng việc đầu tư vùng nguyên liệu không được mở rộng dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất chỉ đạt 60 đến 70% công suất. Nhận thức của một số người dân về sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn bất cập, chưa hiệu quả trong tiếp cận thị trường...
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cùng với việc tiếp tục duy trì thương hiệu “Chè Phú Thọ”, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, hỗ trợ các các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ triển lãm; tích cực phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, nhất là các sản phẩm có lợi thế như chè đen, chè ướp hương… với mục tiêu sản phẩm chiếm 40% thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.
Vũ Tuân