TIN TỨC
NHỮNG GIỐNG CHÈ MỚI: ĐÁNH THỨC NHỮNG VÙNG ĐỒI NGỦ SAY
Cập nhật lúc: 12:00 AM, ngày 01/01/1900


Những vùng đồi tại Phú Thọ được ban tặng điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, nhưng mãi tới khi những giống chè mới xuất hiện, những vùng đồi mới thực sự bừng tỉnh.

 Cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (trái) hướng dẫn kỹ thuật trồng các giống chè mới cho người dân xã Long Cốc. Ảnh: Trung Quân.

Hồi sinh vùng chè Long Cốc

Theo chân những giống chè mới của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) tới những vùng đất trên địa bàn tinh Phú Thọ, cho thấy mỗi giống chè mới muốn phát huy được hết ưu điểm, ngoài những đặc tính nổi trội, kèm theo quy trình canh tác riêng biệt cũng cần được trồng ở những vùng khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp.  

Những khu vực có độ cao dưới 500m thích hợp trồng các giống chuyên chế biến chè đen và chè xanh xuất khẩu như LDP1, LDP2, PH1, PH8, PH11… Một số vùng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên trồng các giống chè chất lượng cao để chế biến chè đặc sản như giống Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hương Bắc Sơn, VN15, LCT1…

Khu vực có độ cao trên 500m thích hợp trồng các giống có thể thích nghi với khí hậu lạnh và phục vụ chế biến chè đặc sản như chè shan bản địa, shan chất tiền, LP18, PH8, PH12, PH14…

Xã Long Cốc (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) có địa hình vô cùng đặc biệt, với hàng trăm quả đồi bát úp nối tiếp nhau, trải dài tít tắp. Từ chỗ người dân phải đi xin từng hạt chè về trồng, chè Long Cốc hiện đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Ông Hà Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Long Cốc chia sẻ: Trước đây, những quả đồi bát úp chỉ được người dân phủ xanh bằng ngô, khoai, sắn, keo nên hiệu quả kinh tế, thu nhập không cao. Sau này, một số hộ dân xin được giống chè hạt (chè trung du) về trồng, sau đó truyền tay nhau nhân rộng, màu xanh của cây chè dần lan rộng khắp triền đồi.

Do người dân tự nhân giống chè bằng hạt nên cây chè dần bị phân ly, không đồng đều. Trên một nương chè có cả cây màu tím, cây màu vàng, cây khỏe, cây yếu, cây cao, cây thấp mấp mô, khó chăm sóc. Kỹ thuật chăm sóc chỉ bằng kinh nghiệm khiến năng suất, chất lượng chè ngày càng giảm, giá bán bấp bênh. Có hộ vừa thoát nghèo nhờ cây chè lại có nguy cơ tái nghèo, có hộ đã nghĩ đến việc chặt chè trồng cây khác.

 Trong bối cảnh đó, từ năm 2009, NOMAFSI đã đưa những giống chè mới, năng suất, chất lượng cao như PH8, PH9… về trồng thử nghiệm, lăn lộn chuyển giao kỹ thuật cho người dân, những quả đồi bát úp một lần nữa đã xanh lại màu xanh của chè. Lần lượt các giống chè chất lượng cao, chè đặc sản như LDP1, LDP2, PH8, Hương Bắc Sơn, TRI5.0, VN15, LCT1… của NOMAFSI được đưa về trồng ở Long Cốc.

Từ những diện tích nhỏ ban đầu, các giống chè mới nhanh chóng phủ rộng, từng bước thay thế giống chè trung du cũ. Hiện toàn xã Long Cốc đã có gần 800ha chè sử dụng giống mới, trong đó có gần 700ha đang cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 13 - 14 tấn/ha (trước đây chỉ đạt 5 - 7 tấn/ha).

Giống chè mới cho chất lượng vượt trội nên thương lái khắp nơi tìm về thu mua. Thu nhập, đời sống của người dân dần “thay da, đổi thịt”. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm. Thu nhập bình quân của xã hiện đã đạt 32 triệu đồng/người/năm...

Hiện nay, Long Cốc đang quy hoạch những khu vực trồng giống chè chất lượng để hình thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến; vùng trồng chè theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với phát triển sản phẩm đặc sản, du lịch trải nghiệm...

 Anh Hà Văn Núi ở xóm Măng 1 (xã Long Cốc) là một trong những người tiên phong trồng thử nghiệm các giống chè mới của NOMAFSI. Anh cùng với 6 hộ khác đã thành lập tổ sản xuất để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng các giống chè mới trên diện tích 12ha.

Anh Núi nhớ lại, trước đây, người dân Long Cốc phải sang tận xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) để xin, thậm chí có người còn phải trộm hạt chè về trồng theo kiểu được cây nào hay cây đó. Chè trồng ra để phát triển tự nhiên chứ chẳng ai quan tâm chăm sóc. Khi những giống chè mới được đưa về địa phương, có cán bộ hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chi tiết, bà con bắt đầu nghĩ lớn về cây chè.

Rảo quanh từng đồi chè, anh Núi phân tích về đặc tính, kỹ thuật trồng của từng giống chè như chuyên gia thực thụ: Giống chè PH8 phân cành thấp, số cành nhiều, cây sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, búp nhiều tuyết, sớm cho năng suất cao, chịu thâm canh, khả năng thích ứng rộng, chịu hạn và giá lạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh khá… Giống này có thể trồng hàng kép, mật độ 2 - 2,2 vạn cây/ha và tiến hành đốn tạo hình sớm. Sau 1 năm tuổi nên tiến hành đốn tạo hình lần 1 và tiếp tục đốn tạo hình vào tuổi 2 - 3…

"Gia đình mình trồng 1,3ha chè, trung bình mỗi năm thu khoảng 30 tấn chè tươi, trừ chi phí, thu mỗi năm cũng bỏ túi được 80 - 100 triệu đồng", anh Núi bộc bạch.

 

Vùng chè Long Cốc với vẻ đẹp hút hồn.

Với những đồi chè bát úp đẹp miên man, chè ngày càng được sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, môi trường trong lành, Long Cốc đang rất tiềm năng để kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp, gắn với các sản phẩm chè đặc sản. Mỗi nông dân trồng chè ở Long Cốc có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch, tự hào giới thiệu với du khách gần xa về những sản phẩm chè do chính tay mình tạo ra, tự tin khẳng định chất lượng chè của Long Cốc không thua kém bất kỳ vùng chè nào trên cả nước.

Làng tỷ phú nhờ cây chè

Đón tôi tại thôn Đá Hen, xã Đồng Lương (Cẩm Khê, Phú Thọ), ông Nguyễn Văn Thanh (Làng nghề Sản xuất và chế biến chè Đá Hen) - Giám đốc HTX Sản xuất chế biến chè Đá Hen vui vẻ: "Chè quê tớ trồng bằng giống mới, theo các tiêu chuẩn an toàn nên đã đến đây là phải nếm thử chén trà xem chất lượng thế nào đã, rồi muốn làm thì làm".

Bên ấm trà tỏa hương thơm ngát, ông Thanh kể: Năm 2001, cây chè bắt đầu được đưa về địa phương nhưng chỉ có rất ít hộ hưởng ứng trồng. Một phần vì người dân đang quen trồng bạch đàn, phần khác do có thông tin chè lúc ấy ở giai đoạn rớt giá, nhiều hộ còn phải chặt đi trồng cây khác nên chẳng ai dám mạo hiểm. Tuy nhiên thời điểm đó nếu hạch toán kinh tế, 1ha bạch đàn phải 6 - 7 năm mới được thu hoạch, trừ các chi phí, người trồng chỉ lãi được khoảng 10 triệu đồng.

 Trước thực tế đó, ông Thanh cùng một số hộ có niềm tin với cây chè đã lặn lội khắp nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ chè. Năm 2010, Làng nghề chè Đá Hen được thành lập. Các hộ trong làng nghề đã chung nhau mua sắm máy móc, thu mua chè nguyên liệu về chế biến.

Nhận thấy vấn đề đầu ra của sản phẩm đã được đảm bảo, thu nhập của các hộ trồng chè cao hơn hẳn trồng bạch đàn nên những hộ còn lại cũng dần bớt e dè, chuyển hướng sang sản xuất chè ngày một nhiều hơn. Thành viên của Làng nghề cũng nhờ đó tăng nhanh, hiện đã có hơn 80 hộ tham gia. Diện tích trồng chè từ vài ha ban đầu hiện đã tăng lên hơn 100ha. Cây chè từ chỗ bị xem nhẹ đã trở thành cây trồng chính, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân Đá Hen.  

Năm 2013, giống chè mới LCT1 của NOMAFSI được một số hộ đưa về trồng thử nghiệm ở Đá Hen. Sau đó, lần lượt các giống chè chất lượng cao như LDP1, LDP2, Hương Bắc Sơn, Bát Tiên, VN15... cũng được đưa về trồng. Những giống chè mới nhanh chóng khẳng định được ưu thế khi cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với giống chè trung du trồng bằng hạt trước kia.

Tiếng lành đồn xa, nguồn nguyên liệu chè chất lượng của người dân Đá Hen được các công ty chè khắp nơi biết đến, tìm về thu mua. Chè nguyên liệu sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư máy móc, liên kết sản xuất gia công chè cho các công ty xuất khẩu. Đá Hen nhanh chóng chuyển mình trở thành một trong những địa điểm có hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè nhộn nhịp bậc nhất Phú Thọ.

 Trung bình mỗi năm, làng nghề này cung cấp ra thị trường khoảng 500 - 600 tấn chè, với giá bán chè xô từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, chè thành phẩm từ 60.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, người dân có thu nhập ổn định 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, các hộ chế biến sâu đạt 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất chế biến chè Đá Hen đưa tôi đi tham quan một vòng quanh thôn. Những ngôi nhà cao tầng mái Thái, biệt thự đã và đang được xây dựng san sát nhau. Ông Thanh phấn khởi cho biết, những ngôi nhà to đó toàn là của thành viên trong làng nghề chè. Chẳng ai dám nghĩ đời sống người dân Đá Hen lại có thể thay đổi nhanh chóng như thế. Người có trí tưởng tượng tốt nhất cũng không thể hình dung ra giữa huyện miền núi nhiều khó khăn lại có thể xuất hiện một “làng tỷ phú”.

Nguồn:nongnghiep.vn

 

 

 


Các tin khác:

GIAN HÀNG GIỚI THIỆU SẢN PHẨM OCOP MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN CHÈ PHÚ THỌ

Nữ start-up bảo tồn và phát triển giống chè búp tím Thanh Ba

Phát triển cây chè búp tím Thanh Ba quý hiếm

Phú Thọ phát triển sản phẩm trà sinh thái

Công bố quyết định và trao quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Đá Hen”

Phú Thọ: Huyện Thanh Thủy phát triển mô hình chè hữu cơ gắn liền với du lịch trải nghiệm thực tế

Công nhận thương hiệu Chè Phú Thọ: Nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường

18 sản phẩm chè Phú Thọ đạt chứng nhận cấp tỉnh từ 3 sao trở lên

Hội thảo triển khai dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ

Hội thảo phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ”